Đăng bởi: trà hâm lại | 19.09.2013

Chuyện vui thời của Thánh Thần

Cho rằng những chuyện vui dư lày lấy đấu mà đong cũng không hết nhưng trong khi chờ tối rằm để trẻ thơ vui hội rước đèn trung Thu , các bậc cha mẹ tranh thủ đọc tí !

 

 

PCT nước Nguyễn Thị Doan: “Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động”

Thứ tư 18/09/2013 07:14
(GDVN) – “Tình hình đời sống xã hội thời gian gần đây có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, xuống cấp ở mọi lĩnh vực, kể cả y đức và giáo dục. Vậy thì vì sao lại xuống cấp? Đã đến lúc chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, do giáo dục học đường, do giảng dạy không tốt đạo đức trong nhà trường, hay là do sự không gương mẫu của cán bộ Đảng viên đã tác động lớn đến xã hội?”.

Có nguyên nhân từ một bộ phận Đảng viên?

Chiều 17/9, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013, và nghe báo cáo kết quả thực hiện NQ 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Theo ông Trương Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao, trong năm 2013 đã giải quyết 271.100 vụ trong tổng số 365.650 vụ án đã thụ lý, tăng trên 30.000 vụ so với năm 2012. Bên cạnh đó TANDTC và tòa án các tỉnh cũng giải quyết 5.699 vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng gần 1.000 vụ so với cùng kỳ năm ngoái…

Trong phần thảo luận, PCT nước Nguyễn Thị Doan cho hay: “Tình hình đời sống xã hội thời gian gần đây có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, xuống cấp ở mọi lĩnh vực, kể cả y đức và giáo dục. Vậy thì vì sao lại xuống cấp?

Đã đến lúc chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, do giáo dục học đường, do giảng dạy không tốt đạo đức trong nhà trường, hay là do sự không gương mẫu của cán bộ Đảng viên đã tác động lớn đến xã hội? Chúng ta phải đặt vấn đề là nếu cơ quan đơn vị nào để xảy ra nhiều vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, PCT nước nói.

PCT nước Nguyễn Thị Doan: Phải làm rõ nguyên nhân đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch nước cho biết, bà vừa tham gia chuyên đề giáo dục đạo đức trong nhà trường, qua đó thấy rằng có rất nhiều bất cập trong giáo dục đạo đức cho học sinh trong các trường phổ thông, mà biểu hiện rất rõ là các vụ bạo lực học đường thời gian qua (nam sinh bị đâm chết vì đẹp trai, nữ sinh đánh bạn), và có liên quan tới cả đạo đức gia đình… đó là điểm nhấn cần phải làm rõ.

“Từ chỗ quản lý nhà nước có vấn đề, từ chỗ đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, dẫn đến niềm tin của nhân dân giảm sút nghiêm trọng. Tại sao giảm sút? Vì người ta nhìn vào một bộ phận cán bộ Đảng viên tiêu cực trong các tổ chức, nhưng xử lý thì không nghiêm, cách ứng xử với dân không tốt”, PCT nước chia sẻ.

Theo PCT nước, cán bộ Đảng viên thì thường phải nắm hai tay, một tay nắm pháp luật để thực hiện thật tốt công tác quản lý nhà nước, còn một tay thì nắm nghị quyết Đảng, nếu làm tốt thì không có chuyện niềm tin bị lung lay.

PCT nước chỉ rõ: “Nhiều người cứ nói là do kinh tế thị trường tác động, vậy thì tại sao trong thời kỳ những năm 1945, kháng chiến khổ sở như thế, nghèo đói như thế mà chúng ta vẫn đoàn kết được dân tộc. Có phải chăng nguyên nhân là do chính một bộ phận cán bộ Đảng viên mà nghị quyết Đảng đã đề ra?

Tôi nghĩ rằng với một hệ thống pháp luật hiện nay tuy có những điều cần bổ sung, sửa đổi, nhưng một bộ phận không nhỏ ấy chấp hành đúng pháp luật thì đã tốt lắm rồi, đó là những vấn đề sơ hở trong quản lý nhà nước, bảo kê…. Tôi đề nghị Chính phủ kiểm điểm thêm, trình bày thêm trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng như thế này. Tôi cho rằng cần phải chỉ rõ nguyên nhân, cái chính ở đây là vấn đề đạo đức cán bộ Đảng viên, những người thực thi công việc”.

Xử lý trách nhiệm với người đứng đầu

Theo báo cáo của TAND Tối cao, tình hình tội phạm có giảm về số lượng, nhưng nhìn ở một góc độ khác, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc lưu ý cần cân nhắc khi ra nghị quyết, phải nhìn vào những điểm phức tạp hiện nay, đó là tình hình tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức còn biến phức tạp, và sẽ không dừng lại ở mức độ như hiện nay.

“Ở đây có vấn đề phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, gắn liền trách nhiệm ở cấp huyện và cấp xã. Từ năm ngoái đến giờ có tình hình là dân tự xử với những trường hợp ăn cắp, có hiện tượng là người dân bất chấp cả quy định của luật pháp. Chỉ bắt trộm một con chó cũng bị đánh đến chết, mặc dù người nhà đã ra sức van xin.

Bên cạnh đó ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân ở nước ta đang “có vấn đề”. Công tác thực thi công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. Ở đây có vấn đề về tuyên truyền pháp luật, nhưng cũng phải nói tới vai trò của các cơ quan công quyền, trách nhiệm của những người đứng đầu”, ông Ksor Phước nói.

Ông KSor Phước – Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, trong thực tế vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra mà chưa được đưa vào thống kê, chẳng hạn có khoảng 5,5 triệu vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhưng con số thực tế có khi còn lớn hơn nhiều.

“Trên con đường nào cũng có người vi phạm giao thông, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên diễn ra, thống kê đầy đủ thì phải còn đến vài triệu vụ vi phạm nữa. Hay các vụ việc về tài nguyên môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại. Có những vùng dù đã bị báo động cách đây vài chục năm, nhưng đến giờ hậu quả là đã không còn rừng”, ông Phước chỉ rõ.

Đánh giá về báo cáo này, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định, đây là lần đầu tiên chúng ta đã ngăn chặn, đầy lùi được tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, đạt được kết quả này vì Quốc hội lần đầu tiên ra NQ 37 về công tác tư pháp, đã tác động rất lớn đối với các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng thẳng thắn cho rằng, tình hình an ninh trật tự ở nhiều vùng, đặc biệt tại các trung tâm thành phố lớn còn diễn biến rất phức tạp, các băng nhóm tội phạm lộng hành, ngang nhiên làm tình hình phức tạp, có nhiều vụ việc lớn gây bức xúc trong xã hội.

“Tình hình hiện nay rất phức tạp, có nhiều vụ việc lớn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ cướp ngang nhiên xảy ra ở ngay trung tâm thành phố. Các vụ có tổ chức được bảo kê lộng hành như ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình… rồi các xung đột tôn giáo xảy ra mà không giải quyết được. Chúng ta cần phải đánh giá sâu hơn về nguyên nhân, đặc biệt là vấn đề phát sinh tội phạm và nguyên nhân quản lý nhà nước, và các ngành thực hiện công vụ hiện nay”, ông Khoa nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định, công tác quản lý hành chính vẫn chưa cao, vấn đề khai thác tài nguyên, vi phạm môi trường… diễn ra phổ biến, chứng tỏ vấn đề kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm, đặc biệt trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

 

Diệu Linh

Chuyện thứ hai :

 

Vụ cháy TTTM Hải Dương:

Nuôi lực lượng PCCC tốn bao nhiêu tiền bạc từ thuế của dân để làm gì?

Thứ năm 19/09/2013 14:19
(GDVN) – Người xưa bảo, “cháy nhà ra mặt chuột”. Ở đây, chẳng biết có “con chuột” nào lộ mặt không nhưng sự yếu kém và tắc trách của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Hải Dương thì đã bị bóc trần.
Hiện trường vụ cháy.

Có thể nói, vụ cháy Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương là một trong những vụ cháy lớn nhất của nhiều năm trở lại đây. Vụ hỏa hoạn đã để lại một hậu quả vô cùng lớn, hơn 500 tỉ đồng phút chốc đã bị bà Hỏa “hóa vàng”; hơn 500 hộ kinh doanh đã trở thành trắng tay, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, cùng quẫn.

Quan trọng hơn, vụ cháy đã để lại những bức xúc rất lớn trong lòng dư luận xã hội. Người xưa bảo, “cháy nhà ra mặt chuột”. Ở đây, chẳng biết có “con chuột” nào lộ mặt không nhưng sự yếu kém và tắc trách của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Hải Dương thì đã bị bóc trần.

Người yếu tim thì sẽ bị sốc và người có tự trọng thì sẽ đỏ mặt, phẫn nộ khi đọc đoạn tường thuật này: Đám cháy được nhiều người dân phát hiện ra vào lúc 1h sáng ngày 15/9, lập tức gọi điện báo cho đội PCCC và 113 thì một anh hỏi “bác nói đùa hay thật?” rồi bảo đang tới.

Và chắc tưởng là đùa nên cái sự “đang tới” ấy kéo dài hơn 2 giờ, cho đến gần 4 sáng. Trong khi đó, đội cứu hỏa chỉ đóng cách TTTM có hơn 1km và tất nhiên giữa đêm tỉnh lẻ thì chẳng có cảnh tắc đường. Tệ hại hơn, bên cạnh sự thiếu kịp thời là việc không đủ phương tiện, chỉ có 2 xe chữa cháy đến, trong đó có 1 xe hỏng, không phun được giọt nước nào và đương nhiên chẳng thể ngăn chặn được đám cháy cho đến tận khi “đội bạn” Hưng Yên cùng xe cứu hỏa của một số doanh nghiệp tới hiện trường.

Nếu nghe đoạn tường thuật trên chưa đủ “ép phê”, xin mời quý vị lắng nghe tâm sự này của tiểu thương Mai Thị Loan: “Các vị ấy không mở cửa, không phá kính để cho nước tiếp cận đám cháy mà chỉ đứng ngoài bê cái vòi nước bé tý phun vào như rửa kính.

Tôi đau lòng quá mới quỳ xuống van lạy: Các cháu ơi, các cháu cứu dân với. Đập kính, phá cửa để dân cùng tham gia cứu cháy. Hãy gọi các tỉnh bạn đi, gọi thêm xe, thêm nước đi… “. Và đáp lại lời kêu cứu đó là câu trả lời lạnh lùng của lực lượng PCCC: “Bọn tôi chỉ thừa lệnh, chúng tôi không biết”…

Tất nhiên trước những thông tin “rất làm xấu” hình tượng người chiến sĩ công an như vậy, ông Phó Giám đốc phụ trách Công an tỉnh đã “thẳng thắn” và quyết liệt khẳng định: 3h25’ ngày 15/9, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hải Dương mới nhận được tin báo về vụ cháy. Tin báo sớm nhất lưu tại máy của lực lượng PCCC là do một bảo vệ của TTTM TP Hải Dương gọi đến.

Trước đó, trực ban Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy không nhận được một thông tin nào báo cháy như một số thông tin trên các báo đã đưa, bởi trên thực tế các cuộc điện thoại gọi đến đều được lưu trong hệ thống của lực lượng phòng cháy.

Ông cũng không quên liệt kê thành tích: Tổng số xe phương tiện tham gia là 16 xe ôtô cùng gần 300 cán bộ, chiến sỹ đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy vừa làm công tác chữa cháy, vừa bảo vệ hiện trường và đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.

Và cuối cùng, ông kết luận: Các kết quả thống kê cho thấy, công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại đây bị xem nhẹ. Bộ phận quản lý trên thực tế rất chủ quan, lơ là trong PCCC.

Chả hiểu những thông tin mà báo chí thu thập nêu trên chính xác đến đâu, nhưng cơ bản mọi người đều tin vì trong lúc xót đau này, chẳng có người dân nào muốn bịa chuyện vu vạ cho lực lượng sinh ra để “chữa cháy” cho mình. Và hơn thế, họ còn là những nhà chức trách, nhà công vụ. Người dân “thấp cổ bé họng”, chỉ khi quá bức xúc thì họ mới bật dậy mà phản ứng mạnh mẽ đến vậy thôi.

Những lý lẽ ông Phó Giám đốc đưa ra cũng chưa đủ sức thuyết phục để quân của ông có thể chối bỏ trách nhiệm. Ghi nhận cuộc gọi ư? Ghi được thì xóa được. Và kể cả là không có cuộc gọi, thì liệu một vụ cháy to như vậy, trong khi lực lượng PCCC chỉ ở cách 1 km, chạy bộ cũng chỉ mất 5 phút mà tại sao lại không phát hiện ra?

Ông kể ra số quân, số xe đến hiện trường “bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân” làm gì khi toàn bộ TTTM chỉ còn là đống tro tàn, chỉ tắt khi… không còn gì để cháy?! Và ông đổ lỗi cho công tác PCCC yếu kém. Vậy sinh ra lực lượng cảnh sát PCCC, nuôi tốn bao nhiêu tiền bạc từ thuế của dân để làm gì?

Với sự tắc trách của lực lượng PCCC và cách hành xử sau vụ cháy cũng của lực lượng này; người ta đã phải chua xót thốt lên rằng, vụ cháy còn làm tiêu tan luôn cả niềm tin vào lực lượng cứu hỏa mà sâu xa hơn là mất niềm tin vào những cơ quan mà tên luôn được gắn thêm vào hai chữ “nhân dân”.

Vụ cháy thì đã xảy ra; dân thì đã “tiền mất tật mang” nhưng không vì thế mà có thể nói là “chuyện đã rồi”. Một lời xin lỗi là chưa đủ mà cần phải có biện pháp cứng rắn hơn; quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm của từng đơn vị, cá nhân vi phạm. Có vậy, mới mong “ngọn lửa” trong lòng dân bớt nóng.

Nói đến công an Hải Dương, gần đây, người ta hay nhắc đến vụ “bạch tuộc Cần Giờ”. Còn nhớ khi đó đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đã lên tiếng, yêu cầu công an Hải Dương khẩn trương làm rõ sai phạm.

Và ngay lập tức, những vị “cảnh sát hành dân” đã bị kỷ luật, người dân Cần giờ đã được đích thân lãnh đạo công an tỉnh đến xin lỗi và đền bù. Và người ta mong rằng, trong vụ cháy TTTM lần này, dân chúng lại được thấy một chỉ đạo quyết liệt như thế từ Bộ trưởng.

Phạm Nguyễn

Trả lời

  1. Chị đã Doan nhầm.
    Đạo đức không có nghĩa là nhẫn nhục.Người dân bây giờ đã dám phản kháng lại với những bất công trong xã hội thì phải coi đó là điều đáng mừng chứ.

    • Nhưng với họ thì đó là tín hiệu của …. “diễn biến ” …

  2. “Đạo đức xã hội” có đâu mà xuống, hở bác Trà? Nó đã không còn từ thời CCRĐ.


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục