Đăng bởi: trà hâm lại | 24.05.2011

Đảng cho ta trái tim giàu

” ……… Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!….. “

(Trích : BÀI CA MÙA XUÂN 1961 – Tố Hữu )

.

Đơn xin được… chết

Thứ Hai, 23.5.2011 | 07:53 (GMT + 7)

Đã gần nghìn ngày trôi qua, kể từ ngày người đàn bà dân tộc Tày viết đơn cho các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin đưa chồng về để… chết. Ngồi tại nhà mình, bà Hoàng Thị Bình – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng – vẫn sửng sốt và buồn rầu khi tình cờ cùng tôi nhắc lại câu chuyện hy hữu, có chút gì bi hài và cay đắng ấy.

Bà đã về BV Bạch Mai thăm, tặng quà. Rồi, khoảng 400 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm gửi về ngõ hầu cứu sống anh chàng người Tày bị ong bò vẽ đốt, hôn mê mấy chục ngày, đã mười phần chết chỉ một phần sống kia. Nạn nhân đã được cứu nhờ phép nhiệm màu của tình nhân ái, nghĩa đồng bào. Song, đó cũng là lúc một trang chuyện rầu lòng khác được mở ra.

“Muốn để chồng chết thì… viết đơn”

Bản Nà Cốc, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nằm hiu quạnh ven con đường thiên lý nối Lạng Sơn với Cao Bằng. Đại gia đình Nông Đoàn Dưỡng đi bộ cả cây số từ bản ra đầu núi đứng chờ chúng tôi. Dưỡng – 36 tuổi – gầy nhom, bước đi liêu xiêu còn phải chống nạng, đầu vẫn trọc lốc, lỗ chỗ các vệt sẹo trắng, nói năng vẫn có cái gì ngơ ngẩn thường gặp của kẻ từ cõi chết trở về.

Ong đốt làm Dưỡng phải nằm mê man bất tỉnh đúng 39 ngày, mê từ vạt núi đi chặt củi đầu xã đến tận BV Bạch Mai dưới Hà Nội. Nằm viện tròn 4 tháng! Dưỡng chỉ nhớ khoảng 18h chiều một ngày cuối tháng 9.2008, đi chặt củi cùng chúng bạn, vừa đụng dao vào bụi rậm, Dưỡng nghe tiếng u u, rồi các “viên đạn màu đen” (ong bò vẽ) đầy lông lá bay kín bầu trời. Nó đốt vào đầu, mu bàn tay, vào mặt anh chi chít. Dưỡng hôn mê từ bìa rừng, chúng bạn phải đẽo cáng khiêng về. Hôn mê sâu, suy thận, suy gan, loãng máu, rối loạn đông máu…, tất cả các bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến tỉnh đều lắc đầu bảo phải về khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai may ra còn 1% hy vọng sống. Ngày 1.10.2008, nạn nhân được nhập viện khoa Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, khi các vết ong đốt đã hoại tử.

Chị Hồng đang viết lá đơn “thắc mắc” về số tiền 400 triệu đồng mà độc giả trong và ngoài nước gửi cho Dưỡng chữa bệnh, được chi tiêu ra sao mà gia đình chưa bao giờ được thông báo (do cả nhà Dưỡng ký ngày 26.3.2011).
Chị Hồng đang viết lá đơn “thắc mắc” về số tiền 400 triệu đồng mà độc giả trong và ngoài nước gửi cho Dưỡng chữa bệnh, được chi tiêu ra sao mà gia đình chưa bao giờ được thông báo (do cả nhà Dưỡng ký ngày 26.3.2011).

Vừa vào nhập viện đã thấy thông báo nộp 5 triệu đồng. Vài ngày sau, Nông Thị Hồng – 37 tuổi, vợ Dưỡng – được các nhân viên ngành y gọi lên, thông báo: Đóng 20 triệu đồng tiền viện phí. Hồng rụng rời chân tay. Vay mượn, lạy lục, bán chác đủ thứ, nộp tiền xong. “Vài ngày sau, lại chuẩn bị nộp 10 triệu, ối giời ơi, chồng em vẫn mê man anh ạ” – kể đến đây, Hồng khóc nức nở. Dưỡng gạt nước mắt chống nạng ra ngoài sân.

Hồng bảo: “Em đã đưa chồng về đến thủ đô Hà Nội, nhà em nghèo hết cỡ thế này, anh bảo, có ai lại muốn chồng “được” chết. Nhưng mà em không có một xu trong người, sau quá trình liên tục nộp đủ thứ tiền. Chị Th – bên tài chính của khoa – bảo, mày không có tiền, chồng mày đang thở bằng ống thở, lại phải lọc máu liên tục vì bị ong độc đốt… rút “ống” ra là “chết ngay tại chỗ” (từ ngữ trong nguyên văn). Trời ơi, còn cái gì để bán, em cũng bán ngay để cứu chồng. Nhưng, không có gì cả…”.

3, 4, 11 và nong doan duong 8888_DSC0809 (1).jpg 947.00K: Vợ chồng bệnh nhân Nông Đoàn Dưỡng cùng căn nhà rách nát ở bản Nà Cốc hiện nay. Dưỡng vẫn yếu lẩy bẩy, vẫn trọc đầu vì nọc độc của ong bò vẽ, vẫn phải chống nạng mới đi vững.
Dưỡng vẫn yếu lẩy bẩy, vẫn trọc đầu vì nọc độc của ong bò vẽ, phải chống nạng mới đi vững.
Dưỡng và con gái.
Dưỡng và con gái.

Hồng kể: “Lúc ấy em “bí” lắm, không biết làm thế nào nữa. Trăm sự nhờ các bác sĩ thôi. Chị Th bảo em còn nợ viện 25 triệu phải trả đi. Em bảo em không có đồng nào. Em khóc. Chị bảo, nộp 1 triệu đi, số còn lại sẽ tìm cách miễn cho. Em bảo em không có đồng nào thật mà. Em không có cả tiền đi xe khách về Cao Bằng cơ. Em suy nghĩ mấy tiếng đồng hồ, khóc mãi rồi đành bảo chị Th nếu không nhờ được, em đành cho chồng về quê, lấy thuốc lá lẩu ở địa phương, sống thêm giờ nào hay giờ ấy, chứ biết làm sao? Chị Th bảo, nếu muốn xin cho chồng về, thì phải viết đơn đi. Em viết mãi không xong. Em hỏi chị Th, chị ơi viết thế nào, chị bảo thì viết xin cho chồng về để chết chứ còn thế nào nữa. Chị ấy lấy giấy bút cho em viết mà. Giờ em nhớ, đơn của em là: “Đơn xin cho chồng được chết” (nguyên văn lá đơn đó hiện chúng tôi đang có, như sau: “…Lý do tôi làm đơn này xin cho chồng về để chết vì gia đình gặp hoàn cảnh thật sự khó khăn, chúng em không tiếp tục ở lại bệnh viện được nữa nên gia đình xin cho chồng về để chết…”) .

Lá đơn xin cho chồng được chết từng gây sửng sốt trong công luận.
Lá đơn xin cho chồng được chết từng gây sửng sốt trong công luận.

“Viết xong, em đặt lên bàn của chị Th. Em ra ngoài tìm cách liên lạc với xe cấp cứu của Bệnh viện tỉnh Cao Bằng, bảo các bác ấy lúc nào tiện thể đưa bệnh nhân xuống thì nhớ mang theo cái bình ôxy như hôm đưa chồng em xuống Bạch Mai ấy. Em muốn chồng em sống thêm một tý, về đến nhà cho hai con em được nhìn mặt bố lần cuối…”.

400 triệu của độc giả được chi tiêu ra sao?

Ơn trời, sự việc sau đó đã diễn ra nhân ái hơn là những gì thảm sầu ở trên. Sau chừng hơn 100 ngày điều trị, Dưỡng đã trở về từ cõi chết. Tuy nhiên, vì hôn mê sâu quá lâu, lại thêm nọc ong bò vẽ quá độc, nên Dưỡng đối mặt với chứng teo cơ.

Nông Đoàn Dưỡng khi nằm ở Bạch Mai và một lần nhà báo đến trao tiền từ thiện của độc giả (tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng).
Nông Đoàn Dưỡng khi nằm ở Bệnh viện Bạch Mai và một lần nhà báo đến trao tiền từ thiện của độc giả (tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng).

Gặp chúng tôi sau hơn 2 năm về lại bản Nà Cốc, Dưỡng vẫn lẩy bẩy, vẫn cầm nạng chống lui cui. Cả bản làng, cả đại gia đình thật sự cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn cả xã hội đã thấy người ta buộc phải buông xuôi sự sống vì đói nghèo mà không hề vô cảm. Và, Dưỡng vẫn không biết rằng, kể từ khi lá đơn “trần đời có một” của Hồng đến tay các nhà báo, một cuộc quyên góp từ nhiều tầng lớp, từ độc giả trong và ngoài nước đã diễn ra và số tiền ủng hộ lên tới 400 triệu đồng.

Trong lá đơn gửi chúng tôi, Hồng cảm ơn xã hội và các bác sĩ thật lòng. Người như Hồng có lẽ cả đời không nói dối ai bao giờ. Hồng viết bằng mực xanh, trên giấy học trò, Dưỡng và bé Diễm (con gái Hồng và Dưỡng) cùng ký: “Chúng tôi là người nhà, khi nhà hảo tâm đưa tiền tận tay, chị Thảo cán bộ bệnh viện còn yêu cầu phải nộp lại”, chuyện 400 triệu ủng hộ chữa bệnh cho Dưỡng, Hồng cũng viết “chúng tôi không được ai thông báo”, “trước khi xuất viện, chúng tôi có được 10 triệu (BV đưa) về tiền xe đi lại và chăm sóc chồng”. Hết.

Thật lòng, nhóm nhà báo chúng tôi tiện công tác qua Thạch An, thăm lại người viết đơn cho chồng được chết, chỉ để tặng chút quà. Bất ngờ nghe chuyện “cắc cớ”, lập tức chúng tôi mở laptop, kết nối Internet, gõ tên “Nông Đoàn Dưỡng” và từ khoá “ong đốt”, thì được hàng chục kết quả với các trang báo lớn, viết kỹ, từ việc Dưỡng bị ong đốt, chụp ảnh lá đơn xin được chết, sự bế tắc, rồi 200 triệu, rồi lên tới 400 triệu ủng hộ bệnh nhân Dưỡng.

Các con số trên cực kỳ rõ ràng, y tá Phạm Thị Thảo (người tiếp nhận tiền cho Dưỡng), rồi TS Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm Chống độc) phát biểu trên báo hẳn hoi: “Bệnh nhân Dưỡng đã nhận được số tiền ủng hộ lên tới 400 triệu đồng” (trích nguyên văn từ một bài báo đã đăng, tác giả Lệ Hà). Và, trước khi đặt bút viết bài này, trao đổi với TS Duệ và một số bác sĩ “trong cuộc”, chúng tôi cũng vẫn nhận được lời xác tín như trên. Ông Duệ bảo, số tiền còn thừa của 400 triệu đồng trên đã được trung tâm hỏi ý kiến một số nhà tài trợ rồi để lại trong quỹ nhằm điều trị bệnh nhân khác.

Các con Dưỡng từng sẵn sàng cho việc mất cha, cả bản đã xẻ gỗ đóng quan tài cho Dưỡng (trong ảnh là con gái Dưỡng).
Các con Dưỡng từng sẵn sàng cho việc mất cha, cả bản đã xẻ gỗ đóng quan tài cho Dưỡng (trong ảnh là con gái Dưỡng).

Một nhà báo tâm huyết trong cuộc vận động tiền cứu Nông Đoàn Dưỡng lại cho rằng, số tiền đó không phải được dùng vì mục đích như ông Duệ nói. Chị đã nhiều lần chị gọi Hồng ra xa khu vực chồng Hồng đang điều trị để gặp riêng, hỏi về việc tiền có đến tay gia đình Hồng không. Hồng đều cho biết, không biết đến số tiền đó, không được ai thông báo gì, dù Hồng biết có nhiều nhà hảo tâm đến thăm chồng mình… Bây giờ, Hồng vẫn có xác nhận với chúng tôi điều này. Nữ nhà báo cũng cảnh báo, nếu tôi hỏi sẽ bị ông Duệ nổi đoá vì “lý do đặc biệt”…

Vậy là đã rõ, dù thế nào thì việc không thông báo, không minh bạch số tiền 400 triệu đồng của nhà hảo tâm cho bệnh nhân Dưỡng vẫn là điều đáng “trách móc”. Bởi tiền đó, như cán bộ trung tâm trả lời báo chí ngay thời điểm vừa có 400 triệu đồng độc giả gửi, là: Tiền gửi cho con người tận khổ Nông Đoàn Dưỡng chữa bệnh. Câu hỏi đặt ra là: Giả sử số tiền thừa sau khi chữa bệnh cho Dưỡng mà không bị thắc mắc, thì trung tâm có sử dụng vào cái gọi là “quỹ” cho bệnh nhân khác như ông Duệ nói không?

Thêm nữa: Thời điểm trung tâm quyết định xin ý kiến nhà hảo tâm (nếu điều này là có thật như ông Duệ nói) là khi nào – trước hay là sau thời điểm có “dư luận”? Liệu có phải, ngay sau khi “toa” thuốc cuối cùng điều trị cho Dưỡng chấm dứt, người ta đã tổng kết tiền thừa và đem tiền đó vào ngay cái quỹ vì bệnh nhân khác không?…

Dù thế nào, nghi ngờ, thắc mắc và bức xúc của một số nhà báo, của gia đình bệnh nhân Dưỡng cũng là chính đáng. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có câu trả lời thoả đáng.

Đỗ Doãn Hoàng

(nguồn)


Trả lời

  1. Con đọc cái tit entry này của chú thì con nhớ đến bài thơ “Đảng cho ta được làm người” trên lucbat.com đúng hôm bầu cử vừa rồi! (http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=baitho&code=7520)
    Đứa em con phán một câu mà con cứ buồn cười, thế “Bố mẹ đẻ ra chỉ mới làm thú à?”hihi

  2. Chào anh Trà, chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

  3. Bên nhà “Beo” thấy có cái này, em copy về đây cho các bác xem:
    “Đài loan vừa bắt giữ Lại Hầu Kiệt, chủ công ty hương liệu Yu Shen, đơn vị cung cấp chất tạo đục lớn nhất tại Đài Loan. Công ty của Kiệt chuyên cung cấp hóa chất công nghiệp để tạo đục cho 45 cơ sở sản xuất đồ uống, sữa, xưởng thuốc… Kiệt có một xưởng sản xuất với sản lượng rất lớn tại Đông Quan, Trung Quốc, cung cấp chủ yếu cho TQ và Việt Nam .

    Chất tạo đục, thay vì pha chế từ tinh dầu cọ, kiệt đã dùng hóa chất công nghiệp để thay thế. Khi bị bắt, Kiệt nói thản nhiên: ”Các ông biết vì sao người Đông Nam Á không “lạ” với độc hại không? Bởi thực phẩm của họ còn độc hại hơn nhiều.”

    Ngay sau khi đọc thông tin này, xin các bạn hãy tẩy chay ngay các loại nước ép sau: nước ổi, nước táo, nước đào, nước lựu, thạch khoai môn, bánh pudding xoài…55 loại thực phẩm và tất cả đều đang hiện diện tại Việt Nam . “

    • Kinh thật, hôm nay đọc tin nước cam pha chế từ hóa chất,…

  4. Họ ăn trên nỗi đau khổ của người khác. Thế thì xấu hổ cho ngành y quá bác ạ.

    • Xấu hổ là từ dùng cho các cô gái lần đầu về nhà chồng thôi, bè lũ ni chắc không dùng từ ” dễ thương ” thế được , phải không O ?

      • Có lẽ thế nên cái đơn “Đơn xin được … chết” kia Diêm vương mới chả buồn ký duyệt để xem cho hết nhẽ ở đời đó bác ạ.

  5. “Đảng cho ta trái tim giàu
    Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”
    Ai bảo không chịu bay nên ong nó đốt cho. Phí cả ơn Đảng …

  6. Số tiền 4oo triệu lúc đó em nhớ là có thể mua được nhà 2 tầng 35 mét vuông ở hà Nội trong ngõ cạnh Bệnh viện Bạch Mai đấy bác ạ. vì ngày đó em đang đi tìm mua nhà nên khi đọc bài báo này em liên tưởng đến cái nhà luôn,
    Ngoài ra số tiền 400 triệu chỉ là công khai trên báo chí. còn rất nhiều nhà hảo tâm khác gửi trực tiếp đến bệnh viện Bạch Mai để cứu anh Thưởng. Bệnh viện nhận tiền rồi ỉm luôn. bênh viện BM có nhừng thằng ăn cướp chứ bác sĩ gì. mời các bác xem nhữngbaài : Nhổ ra rồi liếm lại, .Đại dịch PGS-TS-BS

    • Cô cho cái link để các bác ý vào nhà coi chứ ? Bây giờ nó là đại dịch rồi, bè lũ đó như bầy kên kên,…. thật ghê tởm,

  7. Đọc xong. Thở dài. Chán. Hết mơ !

  8. Hôm đọc cái bài ni trên báo Lao động, Mô “điên” cả người. Thấy sao mà họ nỡ như thế. Nhưng cứ để người ta kiểm tra lại tình hình xem sao đã.

    • Nếu sự thật không như rứa thì lỗi này do các nhà báo , nhưng ” định hướng dư luận ” kiểu thế này thì tội nhà báo còn to hơn tội vi phạm trên.

  9. Sao chúng nó nhẫn tâm thế! khi đau ốm biết tin vào ai bây giờ? Phải chăng do nhà dột từ nóc?

  10. Bất nhẫn quá!

  11. Các vụ tham nhũng, tư túi, ăn bẩn tiền cứu trợ của dân, làm thất thoát tài sản quốc gia, … toàn do đảng viên gây ra. Sao thế bác nhỉ?

    • Thì đảng viên mới dám làm mà. quần chúng làm gì có tinh thần dám nghĩ , dám làm đâu ?

  12. Không thể tin được!!!!

    • Nhưng đó là sự thực !

      • Đồng chí KuA vẫn còn trong sáng quá!

  13. Nếu để người có bệnh chết thì chỉ chết có một người còn nếu đưa đi viện để cố cứu người đó thì sẽ chết cả nhà.(chết đói)
    Bây giờ cần phải học cái phép tính tàn nhẫn ấy.

    • Lại còn bảo vệ được danh dự cho cán bộ, các giáo sư bác sĩ nữa chứ bác Thuận ? Vì như thế họ không có cái gì để ăn chặn con bệnh.

  14. Chuyện. Ăn bớt, ăn xén … là nghề của các chàng mừ.

  15. Lương y như…

    Chả dám ví nữa!

    • các cụ nói là … như ác mẫu, bây giờ từ ác mẫu chắc không đúng , phải là từ gì đó không có chữ ” mẫu ” chứ còn chút mẫu thì vẫn còn tình người cho dù độc ác.

  16. Sao vô lí đến thế nữa!
    Chẳng lẽ chị Hồng hoặc người nhà không có ai đứng ra quản lý được số tiền trên hay sao?

  17. Tởm quá lão huynh ơi!

  18. http://www.tienphong.vn/Phong-Su/539139/Can-canh-cai-doi-xu-Thanh.html
    ——–
    tóm lại là thế nào anh Trà?

    • Túm lại :
      Thứ nhứt đ/c Xuân Ba từng mắc bệnh hiểm nghèo được đảng và nhà nước tận tình chạy chữa lên …” Nhưng may thay chưa có điều tiếng kêu ca nào lẫn không có chuyện ai lử lả vì đói “.
      Thứ nhì con số đưa ra cũng phải có sai số nhất định như ” hao mòn khi cứu trợ ” chẳng hạn . Đây là truyền thống ” lấy của người nghèo chia cho nhà giàu ” .
      Cũng giống vụ hồ Ba bể của VTV, đ/c Xuân Ba có cái ảnh chụp đồng lúa xanh rì ( dân đói lại chụp đồng lúa ? ) , đọc xong phải ” trừ bì ” thì mới chính xác .

    • là do những diễn viên xiếc chữ được đào tạo qua cao cấp … cả đấy O à !

    • Các số liệu thống kê gửi từ các xã, huyện lên sở LĐ TB-XH, rồi lên chính phủ chắc là phải có xác nhận của các quan xã, huyện, tỉnh chứ nhỉ. Thế mà số liệu tổng hợp lại sai. Vậy thì có “quan gian”. Từ đó chính phủ bị lừa.

      “Tóm lại” là thế nào hả anh Trà? – “Tóm lại” là “bắt giữ” ngay những kẻ lừa đảo thôi còn chần chừ gì nữa.

      • Bắt giữ những kẻ như thế thì có mà bắt … hết à ?

  19. HÌnh con gái anh Dưỡng thật đẹp, đôi mắt trong veo!
    Tội nghiệp bé, tuổi thần tiên! mong sao bé không biết những gì người lớn đã và đang làm!

  20. Chỉ có ở chế độ ưu việt gấp ngàn lần bọn tư bản xấu xa người dân mới có quyền làm đơn : ” Đơn xin không phải làm người ” .


Gửi phản hồi cho Phay Van Hủy trả lời

Chuyên mục